1. Quà xa xỉ: Mọi người thường luôn vui mừng khi nhận được những món quà mà họ đã từng nghĩ rằng sẽ không bao giờ bỏ tiền ra mua cho bản thân. Xa xỉ không nhất thiết phải đắt tiền, chỉ vì nó không thuộc loại thiết yếu của cuộc sống mà thôi. Ví dụ như cây lau nhà thông minh, hộp chocolat Bỉ ngon tuyệt, một quyển sách gốc thuộc thể loại mà người mê văn học yêu thích, cặp vé xem phim, bộ dao quảng cáo hằng ngày trên tivi dành cho các chị nội trợ… Chỉ vài trăm ngàn thôi nhưng chúng thật sự mang lại cho người nhận cảm giác sung sướng.
2. Quà tặng tri thức: Một quyển sách bách khoa toàn thư cung cấp kiến thức cho gia đình là một món quà tuyệt vời mà không phải ai cũng nghĩ ra. Lợi ích mà nó mang lại là những kinh nghiệm trong cuộc sống, những mẹo vặt bếp núc hằng ngày hay cách nuôi dạy con cái, xử lý khi trẻ ốm đau, rất phù hợp khi bạn nghĩ về món quà cho các gia đình trẻ hoặc bạn bè của mình nhân sự kiện đặc biệt nào đó như sắp có gia đình, sắp có em bé… Người nhận sẽ cảm thấy sự quan tâm ân cần nhưng cũng tinh tế và khoa học.
3. Phiếu quà tặng: Nếu chưa nghĩ ra một món quà tặng cụ thể, bạn có thể mua phiếu quà tặng tại một trung tâm thương mại nào đó. Một cách lịch sự cho cả người mua lẫn người nhận, và mang lại sự thỏa mãn cho tuýp người thuộc nhóm thích tự tay mình chọn lựa hoặc mê shopping.
4. Phiếu ăn tại nhà hàng: Dành tặng cho người thân yêu của gia đình để hâm nóng cảm xúc. Sao bạn không nghĩ rằng đó là món quà lãng mạn dành cho cha mẹ của mình thay vì phải nghĩ tới nghĩ lui về một món vật dụng cụ thể nào đó. Một bữa ăn vun đắp cả vật chất lẫn tinh thần cho người thân yêu.
5.Tránh chọn quà theo gu của bạn: Bạn thích chiếc áo đó nhưng chưa chắc người nhận cùng cảm nhận như bạn, vì gu thẩm mỹ rất đa dạng. Bạn chỉ nên mua hàng thời trang khi nắm chắc một vài chi tiết về người nhận như màu sắc yêu thích, phong cách thời trang (trẻ trung, năng động, cổ điển, cầu kì…), tính cách và hiệu quần áo thường mặc. Khi không nắm rõ những điều đó, bạn vẫn có thể mua đồ thời trang nhưng tại các cửa hiệu có quy định cho đổi những món hàng bán ra là quà tặng.
6. Đừng theo mô típ cũ: Không phải mọi cô gái đều thích màu hồng, mọi chàng trai đều mê vật dụng liên quan đến bóng đá, hay mọi phụ nữ đều thích đồ dùng làm bếp. Bạn cần kiểm nghiệm một chi tiết rất nhỏ về người nhận, một câu nói bâng quơ liên quan đến sở thích cá nhân mà bạn từng nghe (“…” mới đáng yêu làm sao, ôi “…” vừa mới bị hỏng), một mong ước chưa thực hiện được, đôi khi nó là chìa khóa để mua những món quà trên cả tuyệt vời.
7. Đừng chọn những món quà tuy dễ thương nhưng mang lại phiền toái sau đó. Ví dụ như thú cưng. Rất nhiều người được nhận quà kiểu này. Sự ham thích sẽ mau chóng tan đi và thay vào đó là sự phiền hà về trách nhiệm tự dưng dính phải, đôi khi trở thành gánh nặng cho người nhận mà họ sẽ phải tìm cách để thoát khỏi chúng.
8. Quan tâm đến những mối quan tâm của họ: Hầu hết mọi người đều có ai đó để nghĩ về. Nếu bạn đủ thân và tinh ý để nhận ra, đôi khi những món quà dành cho “người khác nữa” lại ghi điểm tuyệt đối. Ví dụ: Tặng một bộ chăm sóc cá nhân trẻ em vào dịp sinh nhật của một người bạn sắp lên chức bố mẹ, một chiếc cũi xinh xắn cho thú cưng mà người ấy vô cùng yêu mến, thực phẩm chức năng khi đến thăm nhà của người bạn sống chung với cha mẹ già.
9. Đừng quên để lại hóa đơn: Một “tập quán” dường như lạ lẫm nhưng dần phổ biến và phù hợp với xu thế thời đại. Có thể bạn nghĩ rằng nó thực dụng nhưng điều này là bình thường cho những món quà mà bạn muốn khẳng định giá trị đến người nhận, hoặc là nó có thể được đổi lại cho đúng gu hơn. Sự thỏa mãn của người nhận, xét cho cùng đó mới chính là ý nghĩa thực sự của món quà.