Dạy con cách tặng quà

Thứ tư - 02/01/2013 13:30
 
 

Không biết từ bao giờ việc tặng quà và nhận quà đã trở thành một nét văn hóa quen thuộc trong cuộc sống. Tặng một món quà là để tỏ lòng tri ân, sự biết ơn, tình thân hữu… đến người nhận. Cũng chính bởi điều này, như một truyền thống, hàng năm cứ đến ngày Hiến chương Nhà giáo, các em học sinh lại tỉ mỉ chọn lựa những món quà thật ý nghĩa để gởi đến thầy cô giáo của mình, những người dìu dắt và chỉ dạy cho các em nên người.

ăm nay ngày lễ trọng đại dành cho những các thầy cô giáo đã gần đến, bạn đã giúp bé chọn được món quà phù hợp chưa? Món quà tặng dù rất đơn giản nhưng nó lại thể hiện cả lòng biết ơn của bạn đối với những người đã góp một phần không nhỏ cho nhân cách và kiến thức của trẻ.

Để có được món quà nhiều ý nghĩa

Trên thị trường hiện nay, có muôn vàn các mặt hàng cũng như các dịch vụ quà tặng để bạn chọn lựa. Nhưng giúp con chọn được một món quà phù hợp với cô giáo hoặc thầy giáo của bé chưa chắc là một điều dễ dàng đối với bạn. Chính vì sự chọn lựa khó khăn này, nhiều người đã chọn phương án dễ dàng nhất là tặng phong bì hoặc những phiếu quà tặng siêu thị để người nhận “thích gì thì tự mua”, cách tặng quà này trông thật giản tiện nhưng chắc chắn món quà sẽ kém đi những ý nghĩa tinh thần trao gởi đến người nhận. Bởi trong từng món quà gửi đi, người tặng gởi gắm vào đó những tình cảm, thông điệp và cả những nỗi niềm không thể diễn tả bằng lời. Chính vì sự đặc biệt này, bạn cần phải giảng giải và hướng dẫn con cách chọn cho người thầy/cô yêu quý của bé một món quà thật ý nghĩa.

gift1.jpg
Một món quà được tặng chỉ thật sự có ý nghĩa khi nó phù hợp với sở thích. Ảnh: Inmagine


Trước tiên, bạn cần giảng giải và dạy cho bé biết vì sao bé cần phải tỏ lòng biết ơn đối với những người đang dạy dỗ bé nên người. Giải thích cho bé hiểu vì sao cần tặng quà cho thầy cô trong ngày Nhà giáo và ý nghĩa đặc biệt của ngày lễ này.

Bạn hãy tìm hiểu xem tình cảm của bé với cô thầy ở lớp như thế nào vì tình cảm này sẽ là nền tảng giúp bé chọn được món quà như ý cho người thầy yêu thích của mình. Chính quá trình này sẽ giúp bé hun đúc được tình cảm với giáo viên ở lớp tốt hơn, hiểu hơn về ý nghĩa của ngày 20-11.

Con trẻ có những cảm nhận và tình cảm đặc biệt của riêng mình, vì thế bạn đừng áp đặt suy nghĩ của bạn vào suy nghĩ của con. Hãy để bé tự thể hiện và chọn lựa. Nếu con đang có những giận dỗi đáng yêu vì cô đã khẽ tay con, cô phạt vì con chưa làm bài tập…  khi đó bạn hãy giải thích cho con hiểu và hướng con đến những suy nghĩa tích cực. Nếu con bạn là một đứa trẻ sống tình cảm và thường hay chú ý đến những sở thích riêng tư của người khác thì việc chọn quà sẽ dễ dàng hơn. Bé sẽ để ý đến những tiểu tiết như thầy thích viết màu mực đen, cô thích áo dài màu xanh hoặc thầy thường xuyên thắt chiếc cà vạt màu đỏ…

gift2.jpg
Giá trị vật chất của món quà không phải lúc nào cũng đi đôi với giá trị tinh thần của nó. Ảnh: Inmagine


Đôi khi các bậc cha mẹ hay lấy sở thích của riêng mình áp đặt vào những món quà. Điều này là một điều không nên. Một món quà được tặng chỉ thật sự có ý nghĩa khi nó phù hợp với sở thích, thói quen, tâm trạng và cách sống của người nhận cũng như tình cảm của người mang tặng. Thêm vào đó, giá trị vật chất của món quà không phải lúc nào cũng đi đôi với giá trị tinh thần của nó. Những tấm thiệp tự làm trông thật trẻ con với những nét chữ nguệch ngoạc, những cố gắng học tập theo ngày tháng… đã là món quà có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với những người làm nghề gõ đầu trẻ rồi.

Dạy con cách tặng quà

Khi bé đẽ chọn được món quà, kế đến bạn nên dạy bé cách tặng quà với một thái độ kính trọng và lời chúc chân thành để thầy cô cảm nhận được lòng thành của bé và thoải mái, dễ chịu khi nhận món quà từ tay bé. Tránh những tình huống các bé tặng quà với một thái độ thiếu tôn trọng hoặc lời nói kém lễ phép gây cho các thầy cô sự phiền lòng và những tình huống “phải” nhận quà một cách không tế nhị.

gift3.jpg
Ảnh: Inmagine

Trẻ cần biết được rằng để món quà có nhiều ý nghĩa và chuyển tải được thông điệp bé muốn nói với thầy cô, bé cần tặng với một tình cảm chân thành xuất phát từ đáy lòng.

Quà tặng không quan trọng bằng cách tặng”, đó là điều cần ghi nhớ. Vì thế, trước khi bé đến gặp thầy cô giáo, bạn hãy bày cho bé cách cư xử thể hiện sự tôn trọng đối với thầy cô và thái độ trân trọng đối với món quà. Bạn cũng giúp bé hiểu rằng, giá trị vật chất của những món quà sẽ không quan trọng bằng tình cảm kính trọng trẻ dành cho thầy cô trong suốt năm học và những cố gắng học tập của bé sẽ là món quà ý nghĩa hơn tất cả.

Những thói quen cần tránh
 

  • Quà tặng đi tặng lại: Bạn có những món quà được người khác tặng, để lâu không dùng đến, bạn nói với bé rằng: “Thôi con đem món quà này đến tặng cho cô cũng được, để mẹ khỏi mắc công đi mua quà”. Đây là một trong những điều tối kỵ đối với con trẻ. Vì khi bạn làm như vậy, trẻ sẽ có ý nghĩ cô thầy giáo của trẻ không đáng tôn trọng để bạn phải mất thời gian đi mua một món quà. Những món quà như thế không làm tăng thêm lòng tôn kính đối với giáo viên mà còn làm mất đi lòng kính trọng sẵn có của trẻ đối với thầy cô giáo.

     

  • Tặng quà để mong được châm chước: Bạn thể hiện cho trẻ thấy đến ngày 20/11 thì phải lo lắng, tất bật để mua quà tặng cho các thầy cô. Nếu không tặng quà thì sợ thầy cô dèm pha và làm khó trong học tập, tặng quà sẽ được thầy cô nâng đỡ. Bạn đừng mang tư tưởng này trong đầu và cũng đừng trao cho trẻ tư tưởng này, nếu bạn làm như vậy con bạn sẽ ỷ lại vào những món quà và lơ là chuyện học tập. Thêm vào đó, hình tượng về người thầy trong suy nghĩ của trẻ cũng xấu đi.

     

  • Quà tặng là cán cân tình cảm: Bạn đừng tập cho con trẻ thói quen tặng những món quà đắt tiền, có giá trị quá lớn như một cách thể hiện tình cảm đối với thầy cô giáo. Khi bạn nghĩ rằng quà càng đắt tiền thì tình cảm càng nhiều, bé sẽ hiểu nhầm rằng, quà càng đắt tiền càng có giá trị thì bé càng được giáo viên thương yêu.

     

  • Quà tặng thể hiện đẳng cấp: Bạn nói cho con biết phải chọn những món quà làm sao để thể hiện được vị thế về gia đình mình trước bạn bè trong lớp hoặc trước mặt thầy cô. Chính những tư tưởng này tạo ra cho trẻ sự hiềm khích và ganh đua trong lớp học. Không phải trẻ ganh đua về kết quả học tập mà trẻ ganh đua vì giá trị của những món quà. Khi điều này xảy ra, có những trẻ sẽ buồn vì thua kém chúng bạn, có trẻ kiêu căng vì gia đình giàu có. Tự cao vì bố mẹ giàu có là một đức tính không nên có nơi con trẻ.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

loading